Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng cập nhật mới nhất năm 2022

Đối với trường hợp bắt buộc phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì chủ đầu tư bắt buộc phải có loại giấy tờ này trước khi khởi công xây dựng công trình. Vậy hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng cần những gì? Hãy theo dõi những chia sẻ dưới đây cùng Calichome nhé!

Cần làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng trong các trường hợp: xin cấp giấy phép xây dựng mới; xin cấp giấy phép di dời công trình xây dựng; xin cấp giấy phép cải tạo, sửa chữa.

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới

1.1. Đối với nhà ở riêng lẻ

Nhà ở riêng lẻ chính là nhà công trình nhà ở xây dựng trên thửa đất ở thuộc quyền sử dụng của cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức một cách hợp pháp, bao gồm: nhà ở độc lập, nhà ở liền kề và nhà biệt thự.
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm:
– Một trong các giấy tờ có thể chứng minh được quyền sử dụng đất đúng theo quy định của luật đất đai.
– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (đúng theo mẫu).
– 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo các giấy tờ khác gồm: Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy; bản vẽ thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy nếu được yêu cầu; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng nếu được yêu cầu, bao gồm:
+ Bản vẽ các mặt cắt chính và mặt đứng, mặt bằng các tầng của công trình;
+ Bản vẽ mặt bằng của công trình trên lô đất có kèm theo sơ đồ vị trí của công trình;
+ Bản vẽ mặt cắt móng và mặt bằng móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài của công trình bao gồm: cấp điện, cấp nước và thoát nước;
+ Đối với các công trình xây dựng có công trình liền kề yêu cầu hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng phải có bản cam kết đảm bảo an toàn đối với các công trình liền kề.

1.2. Đối với các công trình không theo tuyến

Đối với các công trình không theo tuyến, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm:
– Một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (đúng theo mẫu);
– Văn bản thông báo kết quả thẩm định; quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có chuyên môn về xây dựng kèm theo hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở có dấu xác nhận (nếu có);
– Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
– Văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy và các bản vẽ, tài liệu được thẩm duyệt kèm theo theo quy định về phòng cháy, chữa cháy của pháp luật;
– Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau khi thiết kế cơ sở đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng gồm 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng, trong đó có:
+ Bản vẽ mặt bằng định vị công trình trên lô đất, tổng mặt bằng toàn dự án;
+ Bản vẽ các mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình, kiến trúc các mặt bằng;
+ Bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống kỹ thuật hạ tầng bên ngoài của công trình, dự án.
+ Bản vẽ mặt cắt móng, mặt bằng, các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình;

1.3. Đối với công trình theo tuyến

Công trình xây dựng theo tuyến chính là công trình được xây dựng theo hướng tuyến trong một hay nhiều khu vực địa giới hành chính, như: đường sắt; đường bộ; đường cáp viễn thông; đường dây tải điện; đường ống dẫn khí, dẫn dầu, cấp thoát nước; kênh dẫn nước tưới, tiêu; đập đầu mối công trình thủy điện, thủy lợi; kè, đê và những công trình khác tương tự.
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình theo tuyến bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu;
– Các giấy tờ theo quy định của pháp luật về đất đai do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai cấp: Một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; hoặc quyết định thu hồi đất hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vị trí và phương án tuyến;
– Văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; quyết định phê duyệt dự án và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở có dấu xác nhận kèm theo (nếu có);
– Các bản vẽ, tài liệu được thẩm duyệt kèm theo giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;
– Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
– Văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng;
– Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng gồm 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng, trong đó có:
+ Sơ đồ vị trí tuyến công trình; bản vẽ bình đồ công trình hoặc bản vẽ mặt bằng tổng thể;
+ Bản vẽ các mặt cắt ngang và mặt cắt dọc chủ yếu của tuyến công trình;
+ Bản vẽ mặt cắt móng và mặt bằng;
+ Bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài của công trình, dự án.
+ Các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình;

1.4. Đối với công trình tín ngưỡng, tôn giáo

* Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm:
– Các tài liệu, giấy tờ như quy định đối với các công trình không theo tuyến( mục 1.2);
– Văn bản chấp thuận về quy mô công trình và sự cần thiết xây dựng của cơ quan chuyên môn về tôn giáo, tín ngưỡng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

* Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng bao gồm;
– Các tài liệu tài liệu, giấy tờ như quy định đối với các công trình nhà ở (mục 1.1);
– Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng đối với những công trình tôn giáo, tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn đến lợi ích và an toàn của cộng đồng;
– Ý kiến của cơ quan chuyên môn về tôn giáo, tín ngưỡng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng có quy định);

Lưu ý: Đối với hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng thuộc dự án phục hồi, tu bổ, bảo quản di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thì ngoài những tài liệu, giấy tờ trên cần phải bổ sung văn bản về quy mô công trình và sự cần thiết xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đúng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

1.5. Đối với công trình tượng đài, tranh hoành tráng

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng, gồm:
– Các tài liệu và giấy tờ quy định như đối với các công trình không theo tuyến (tại mục 1.2);
– Bản chấp thuận hoặc bản sao giấy phép về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

1.6. Đối với công trình của các tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình của các cơ quan ngoại giao, cơ quan nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư tại Việt Nam cũng được thực hiện đúng theo quy định tại mục 1.2 (đối với các công trình không theo tuyến) hoặc mục 1.3 (trình xây dựng theo tuyến) và những điều khoản quy định của Hiệp định hay thỏa thuận đã ký kết với Chính phủ Việt Nam.
(Theo Điều 75 Luật Xây dựng 2014, Điều 43, 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP)

2. Hồ xin cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa công trình

– Đơn đề nghị cấp giấy phép cải tạo, sửa chữa công trình hoặc nhà ở riêng lẻ theo mẫu quy định.
– Một trong các giấy tờ có thể chứng minh về quyền quản lý, sở hữu, sử dụng công trình hoặc nhà ở riêng lẻ đúng theo quy định của pháp luật.
– Hồ sơ thiết kế cải tạo, sửa chữa tương ứng với từng loại công trình theo quy định tại mục 1 (Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới).
– Bản vẽ hiện trạng các bộ phận công trình dự kiến cải tạo, sửa chữa có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép cải tạo, sửa chữa đã được phê duyệt theo quy định và ảnh chụp hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo (có kích thước tối thiểu 10 x 15 cm).
– Đối với các công trình danh lam, thắng cảnh, di tích văn hoá – lịch sử đã được xếp hạng thì cần phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.
(Điều 96 Luật Xây dựng 2014, Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP)

3. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng khi di dời công trình

– Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nơi công trình xây dựng sẽ di dời đến cùng giấy tờ về quyền sở hữu công trình hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình theo mẫu.
– Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hay bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng của công trình được di dời bao gồm mặt cắt móng, mặt bằng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ mặt cắt móng, mặt bằng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ di dời tới;
– Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng công trình do cá nhân, tổ chức có đủ năng lực, điều kiện thực hiện.
– Phương án di dời công trình do cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện bao gồm:
+ Phần thuyết minh về hiện trạng của công trình và khu vực công trình sẽ di dời đến; phương án và giải pháp di dời, bố trí sử dụng các thiết bị, phương tiện, nhân lực; giải pháp đảm bảo an toàn cho toàn công trình xây dựng, người, thiết bị, máy móc và các công trình lân cận; đảm bảo vệ sinh môi trường; cá nhân, tổ chức thực hiện di dời công trình xây dựng; tiến độ di dời công trình.
+ Bản vẽ biện pháp di dời và thi công công trình.
(Điều 97 Luật Xây dựng 2014, Điều 48 Nghị định 15/2021/NĐ-CP)
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng được cập nhật đầy đủ và mới nhất năm 2022. Hy vọng, những nội dụng này sẽ giúp ích được cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0396045398